Thứ Tư, 2 tháng 12, 2015

Bến Đục – Suối Yến du lịch Chùa Hương

Suối Yến và Bến Đục là những cái tên tự nó đã gợi lên những vần thơ ca ngợi thắng cảnh Hương Sơn và động Hương Tích tại du lịch Chùa Hương.
Có lẽ khách thập phương và cả một số hướng dẫn viên du lịch, nhà báo vẫn lầm tưởng bến Yến - nơi du khách bắt đầu xuống thuyền trẩy hội là bến Đục. Trên thực tế, cái tên bến Đục có nguồn gốc và là một địa điểm khác.
      Xưa kia, dòng suối nhỏ bắt nguồn từ chân núi Hương Tích, chảy qua làng Yến Vĩ gọi là Tiểu Khê. Có một con suối nối từ Tiểu Khê ra sông Đáy, chảy qua địa phận làng Độc Khê (vì làng này chỉ có một con suối). Sau do phương ngữ địa phương nên người ta gọi chệch thành làng Đục Khê.

Bến Đục – Suối Yến du lịch Chùa Hương


du khách đến trẩy hội thường đi thuyền theo dòng sông Đáy đến bến Đục nơi con suối từ Hương Tích hòa vào dòng sông mẹ rồi rẽ thuyền tiến vào quần thể danh lam "Nam thiên đệ nhất động". Du khách ngồi trên thuyền trải chiếu hoa, nhâm nhi chén rượu mơ, nghe hát, phải như thế mới “thấm” hết phong vị đặc trưng riêng có ở nơi đây. Khi gặp nhau trên suối, đôi bên thường chắp tay chào : "Nam mô a di đà phật" đúng như câu thơ của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp miêu tả :

          "Đò đi qua bến Đục
          Mọi người ngắm nhìn em
          Thẹn thùng em khẽ nói
          Nam mô a di đà."

      Cùng với đường thủy, du khách có thể đi bộ qua bến Đục vào chùa Trình rồi mới xuống thuyền đi tiếp. Chùa Trình (Ngũ Nhạc) là nơi khách vào trình diện khi tới cảnh phật. Điểm du khách xuống đò đó chính là bến Yến bây giờ. Theo người già kể lại, trong những ngày hội thuyền ra vào tấp nập như bầy chim yến bay về tổ nên tên bến Yến cũng bắt đầu từ đó.
      Quần thể Hương Sơn gồm 3 nhánh. Sau khi vào "trình" bạn có thể đi Tuyết Sơn ; Long Vân ; Hương Tích và phải mất 3 ngày du khách mới cảm nhận hết vẻ đặc biệt chỉ có ở đây. Xưa kia bao phủ khu vực Hương Sơn là những rừng mơ thơ mộng. Đầu xuân hoa nở trắng rừng, cuối hội du khách có thể mua về làm quà những quả mơ vàng ươm, thơm đượm hương núi.

          "Rừng mơ ôm lấy núi
          Mây trắng đọng thành hoa..."


     Cũng chính vì vậy mà rượu mơ Hương Tích và rau sắng chùa Hương trở thành đặc sản của nơi đây.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét