Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2017

Chuẩn bị hành lý đi du lịch Tết

Tùy vào điểm đến và thời gian của chuyến du xuân mà quý khách sắp xếp hành lý mang theo cho phù hợp.
Trước tiên, quý khách nên liệt kê danh sách những vật dụng, đồ dùng cần thiết phải mang theo và lưu ý là chỉ mang vừa đủ dùng để thuận tiện trong lúc di chuyển.
Đặc biệt, hành lý của quý khách lúc nào cũng nên có một số loại thuốc thông dụng như thuốc hạ sốt, thuốc đau bụng, dầu chống muỗi, băng cá nhân,…
Nếu quý khách là người yêu thích chụp ảnh thì cần trang bị đầy đủ thẻ nhớ, pin sạc cho chiếc máy ảnh của mình.
Chuẩn bị hành lý đi du lịch Tết

Một kinh nghiệm rất cần thiết khi đi du lịch tết đó chính là những vật dụng tư trang có giá trị. Dịp tết 2017, không khí du xuân vô cùng náo nhiệt và tấp nập, tình trạng móc túi diễn ra tinh vi hơn, vì vậy, quý khách nên lưu ý bảo quản tốt những tài sản của mình để tránh điều đáng tiếc xảy ra.
Cách tốt nhất là quý khách nên hạn chế mang theo tư trang, tiền bạc trong hành lý của mình, có thể mang theo ATM để đảm bảo an toàn.
Nếu bạn đi du lịch kết hợp với đi lễ chùa thì nên chọn trang phục gọn gàng và phù hợp. 
Những đồ hạn chế mang theo
Theo cách sắp xếp và lựa chọn hành lý khi đi du lịch thì bạn nên hạn chế mang theo đồ lên, áo khoác dày, nặng hay những chiếc quần jean dài và dày…trừ khi bạn đi du lịch ở những vùng lạnh giá. Bởi chúng chiếm rất nhiều diện tích, lâu khô, dễ bám bụi và làm trọng lượng hành lý của bạn tăng lên đáng kể.

Ngoài ra, những đồ quý giá hoặc những đồ có sẵn tại điểm du lịch cũng là những vật dụng bạn không nên xếp vào vali.

Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2017

Công viên Biển Đông – Đà Nẵng

Không quá nổi bật hay cầu kỳ nhưng bất cứ ai khi đặt chân đến Đà Nẵng đều phải ít nhất một lần đi dạo nơi đây.
Trên con đường lát gạch, giữa những hàng cây xanh, tận hưởng không khí trong lành và thả tầm nhìn trước không gian bao la của biển cả. Không ít du khách đến đây từng ngạc nhiên trước một công viên được xây dựng đặc biệt ở một vị trí đặc biệt. Không cổng chào hay cửa ra vào, không gian công viên rộng mở mang đến cho du khách một sự bình yên, thư thái trong tâm hồn. Dạo bước giữa những hàng cây, ngắm nhìn biển cả bao la và những chú chim bồ câu hiền hòa, dường như mọi lo toan muộn phiền của cuộc sống nhanh chóng được xua tan, những áp lực công việc cũng dần tan biến.
Một lần đi dạo quanh công viên, bạn không chỉ tìm được cho mình cảm giác thư thái mà còn chứng kiến một góc nhỏ trong cuộc sống của người dân thành phố. Đâu đó những cụ ông, cụ bà đang dạo mát bên con cháu; những gia đình đang chuyện trò rôm rả trên những băng ghế sau một ngày dài làm việc; những em bé thích thú chạy nhảy trên sân, cho những chú chim câu ăn và vui đùa cùng bố mẹ; hay những bạn trẻ đang luyện tập và biểu diễn các tiết mục văn nghệ, các môn thể thao yêu thích. Cùng điểm tô trong bức tranh sinh động ấy là số đông du khách trong và ngoài nước cùng thong dong dạo mát và tập thể dục trên công viên. Đôi khi, họ cùng nhau tham gia các trò chơi tập thể trong sự hòa đồng, gắn kết và chính điều này đang ngày càng tạo nên ấn tượng đẹp trong lòng du khách thập phương về con người Đà Nẵng thân thiện và gần gũi.
Không chỉ là địa điểm dạo mát, nơi đây còn là lựa chọn thú vị của các bạn trẻ yêu thích nghệ thuật nhiếp ảnh và những đôi uyên ương muốn ghi dấu những khoảnh khắc đẹp nhất trong cuộc sống lứa đôi. Những người yêu thích thiên nhiên, yêu chuộng hòa bình cũng thích đến đây để ngắm nhìn những chú chim bồ câu hiền lành đang được nuôi dưỡng tại đây.
Một điểm cộng khác cho thiết kế của công viên là việc bố trí các bức tượng điêu khắc mang tính thẩm mỹ cao. Đặc biệt nổi bật giữa công viên là bức tượng “Mẹ Âu Cơ” của điêu khắc gia Lê Công Thành như một biểu trưng của công viên Biển Đông. Từ công viên nhìn ra là bãi biển xanh mát với những đoàn thuyền đánh cá đang hoạt động yên bình trên vùng biển quê hương.


Thứ Năm, 12 tháng 1, 2017

Nguyên tắc khi đi lễ chùa

Điều đầu tiên bạn cần ghi nhớ khi bước vào nhà chính của chùa là nên bước vào từ cửa bên, không bước vào cửa chính giữa; đồng thời không dẫm lên bậu cửa, phải bước qua bậu cửa, nếu không sẽ phạm tội bất kính. Cửa chính nhà chùa từ xưa đến nay chỉ Đức Phật, Ngọc đế, Quốc vương một nước mới được ra vào. Vì thế nhiều ngôi chùa ngày thường không mở cửa chính.
Vào chùa, nên dùng Phật danh “A di đà Phật” thay tên gọi để mở lời chào trụ trì và tăng ni trong chùa. Khi ra về cũng nên dùng câu này để bái biệt, công đức mang lại vô lượng, cho cả người vãn cảnh và nhà chùa.
Khi đi lễ chùa bạn nên thắp hương tại đỉnh đặt bên ngoài, hạn chế thắp hương bên trong chùa, vì có thể gây ảnh hưởng đến tượng Phật, pháp khí. Chỉ cắm 1 nén hương vào bát hương, nếu bát hương có hương rồi không cần cắm tiếp. Không cắm hương tùy tiện vào tay tượng, gốc cây, hay đồ lễ...
Không nên chụp ảnh, quay phim tùy tiện trong chùa.
Không đứng lễ hoặc quỳ chính giữa Phật đường lễ Phật vì đó là vị trí tối cao của trụ trì. Chỉ đứng lễ hoặc quỳ chếch sang bên một chút.
Nguyên tắc khi đi lễ chùa

Không tự ý lấy sử dụng hoặc mang bất kỳ loại đồ đạc gì của nhà chùa về làm của riêng. Theo nhiều kinh sách và quan niệm truyền thống, những hành vi như vậy gọi là “đạo dụng thập phương thường trụ” (trộm dùng đồ lễ của chúng sinh cúng dàng). Phạm giới luật này khi chết sẽ bị giam vào địa ngục, chịu khổ vô kể. Phật điển ghi rõ, “nhân nhỏ, quả lớn”, thành tâm cúng dàng, lễ dù nhỏ nhưng phúc báo lớn lao; trộm của chùa, vật tuy sơ sài nhưng quả báo không gánh hết.
Vào Phật đường và Tam Bảo không nên đi giày dép, nhai trầu, hút thuốc. Tam bảo là nơi tôn nghiêm, có giới hương, định hương, chân hương, đòi hỏi phải trì giới để di dưỡng thanh tịnh, tuyệt đối không gây ồn ào, hỗn tạp.
Không nên ngắm tượng Phật như một tác phẩm nghệ thuật, trước tượng Phật nên cung kính nghiêm trang, không nhìn ngang ngó dọc, khệnh khạng trước Tam Bảo. Nếu muốn chiêm ngưỡng tượng Phật, nên đứng từ ngoài để quan sát.
Không chạy qua chạy lại, nói chuyện, bình phẩm, ngồi hoặc nằm trong Phật đường. Không tùy tiện hắt hơi sổ mũi, khạc nhổ… quanh khu vực Phật điện, Tam Bảo. Những tội này đều bị thiêu nơi địa ngục, kẻ tu hành dù chuyên chú đến mấy cũng không chính quả.
Khi vào Phật đường, đi vòng quanh tượng Phật và khu vực Tam Bảo, lưu ý đi từ phải sang trái, niệm tên Phật “A di đà phật” sẽ được hưởng 5 điều phúc đức: Hậu sinh đoan chính, đẹp; lời ăn tiếng nói rõ ràng dễ nghe; hóa sinh thăng thiên; có thể được sinh ra trong gia đình quyền quý; siêu sinh đạo Niết Bàn.
Sử dụng đồ của chùa, như ăn uống, thụ lộc, nên lưu công đức, dù ít hay nhiều. Không nên coi đó là của chùa, trụ trì cho thì nhận mà không bố thí chút công đức, vì nếu làm vậy sẽ phạm tội “luân đạo thực quả báo” là căn nguyên rơi vào địa ngục.
Không để trẻ em chạy loạn tam bảo, nghịch ngợm các đồ tế khí, sờ mó tượng phật…
Không được tùy ý làm ồn hoặc nói những lời bất kính đối với Phật, Thánh, cũng không được có thái độ thiếu cung kính như tùy tiện dùng tay chỉ trỏ vào tượng Phật.
Khi bước đi không nên cắt ngang qua mặt những người đang quỳ lạy.

Muốn làm lễ thì không nên quỳ phía sau những người đang đứng thắp hương. Tùy vào từng môn phái, có thể đứng/quỳ khi làm lễ nhưng cần phải lên trước.

Xem các tour lễ chùa:

- Du lịch Chùa Bà Vàng

Bài đăng cũ: 

Thứ Ba, 10 tháng 1, 2017

Mùa đông trên Sapa

Những con đường trong thị trấn Sapa đẹp như tranh vẽ. Bất chấp sương mù và giá lạnh, những hàng cây samu cổ thụ hai bên đường vẫn xanh ngắt. Những khu rừng trúc, rừng thông vẫn bạt ngàn, vô tư vi vu bài ca của gió. Trên vỉa hè, lát gạch đỏ, cách một đoạn lại có những cái quán gồm hai cái ô, bán thổ cẩm. Hàng hóa ( mũ, khăn, bao gối, ví…) bày trên những tấm ni lông, được che chắn bằng một cái ô. Một cái ô khác che bếp than hồng đượm. Thấp thoáng trong sương, những người phụ nữ đeo gùi đang cắm cúi bước. Những chiếc khăn sặc sỡ trên đầu và những bộ váy áo đủ màu sắc sặc sỡ làm thành những nét chấm phá sinh động trên đường phố.

Mùa đông trên Sapa


Trời mùa đông Sapa rét như cắt và sương giăng ẩm ướt nhưng chợ Sapa vẫn rất sôi động. Hòa cùng đoàn người vui chợ phiên không chỉ có khách du lịch trong nước, du khách phương Tây còn có rất nhiều đồng bào H’Mông, Dao đỏ, Giáy… Người H’Mông trắng thì mặc trang phục có hoa văn rực rỡ. Các cô gái Dao đỏ đội khăn đỏ đính tua rua đỏ. Người H’Mông đen đội khăn đen, áo đen quần đen ngắn đến đầu gối, chân quấn xà cạp đen. Người Sa Pó mặc váy hay quần áo, áo ngắn viền hoa văn… Tạo nên bức tranh nhiều màu sắc khiến cho phiên chợ nhộn nhịp và vui tươi hơn.

Thị trấn Sapa với những ngôi nhà thấp thoáng trong sương. Những lâu đài cổ kính bên cạnh những biệt thự hiện đại kiến trúc phương Tây, quanh co theo các trục lộ hay chênh vênh trên các triền dốc, sườn đồi.

Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2017

Đi du lịch Tết miền Bắc

Tây Bắc
Du lịch Tây Bắc cái tên gọi cho du khách nhiều cảm xúc mãnh liệt về một vùng đất địa đầu của tổ quốc, nơi sở hữu những con đèo hùng vĩ, những vườn quốc gia bạt ngàn, cuộc sống bình yên giản dị cùng với những phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số. Tết đi du lịch Tây Bắc là một trải nghiệm tuyệt vời.
Hà Giang
Đây là địa điểm hấp dẫn bạn không nên bỏ qua để cảm nhận được không khí xuân đặc trưng của vùng Tây Bắc. Những đồi hoa mận, hoa đào nở trắng xóa một vùng đồi cùng những bộ trang phục áo váy của cô gái H’Mông sặc sỡ đang vui đùa trên cánh đồng hoa cải. Du lịch Hà Giang 3 ngày vào dịp Tết các bạn không quên thưởng thức ly rượu ngô ấm nồng hoặc quây quần bên bếp lửa thưởng thức những món ăn đặc sản. Hà Giang là điểm đến lý tưởng của những người ưa khám phá và yêu thích thiên nhiên.
Đi du lịch Tết miền Bắc

Sapa
Du lịch Sapa vào dịp Tết bạn sẽ được chứng kiến vạn vật sinh sôi nảy nở, hoa cỏ khoe sắc. Ngày Tết ở Sapa thường vắng vẻ, vì người dân ở đây về quê ăn Tết. Tuy nhiên, đây sẽ là thời điểm lý tưởng để những cặp đôi tận hưởng những giây phút thư giãn. Các bạn có thể chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang, những bản làng người dân tộc…để tìm hiểu về con người và cuộc sống nơi đây.
Mộc Châu
Nằm cách thủ đô Hà Nội chừng 200km về phía Tây, Mộc Châu không chỉ là huyện lớn nhất của tỉnh Sơn La mà còn là địa điểm không thể bỏ qua của du khách trong mùa Du lịch Tây Bắc tết nguyên đán 2017. Du lịch Mộc Châu du khách không thể bỏ qua các điểm du lịch như nông trường bò sữa Mộc Châu, những nông trại chè xanh mênh mông trải dài khắp các sườn đồi, thung lũng. Thác Dải Yếm, hang Dơi, đồi thông Bản Áng hay các bản làng của người dân tộc.
Mai Châu
Ở Mai Châu du khách có thể ghé thăm nhiều điểm du lịch nổi tiếng như bản Lác, bản Poom Coong, đèo Thung Khe, hang Mỏ Luông, hang Chiều, thác Gò Lào. Mai Châu còn có những đặc sản độc đáo sẵn sàng phục vụ du khách như cơm lam, thịt nướng, cá suối nướng, xôi nếp nương, rau rừng…
Yên Tử
Vào dịp đầu năm người dân miền Bắc nô nức trẩy hội Yên Tử, vãn cảnh để cầu mong cho một năm mới gặp nhiều may mắn, suôn sẻ. Ở Yên Tử có chùa Đồng nằm trên đỉnh núi rất thiêng liêng, để tới đây bạn phải leo bộ lên đỉnh núi hoặc đi cáp treo.
Ninh Bình

Nên du lịch ở đâu vào dịp Tết Nguyên Đán 2017? Ninh Bình là điểm đến tiếp theo bạn cũng không nên bỏ qua khi du lịch Tết ở miền Bắc. Ninh Bình nổi tiếng với chùa Bái Đính có khuôn viên rộng, những bức tượng lớn được mạ vàng…đây là điểm tâm linh của người dân miền Bắc vào dịp Tết Nguyên Đán. Hoặc xuôi thuyền khám phá Tràng An cảnh núi non, sông nước hữu tình. Hay tham quan Tam Cốc Bích Động địa điểm đẹp thơ mộng.